Site icon VIP777

“Bà già đi bụi” – sáng tạo từ văn học đến điện ảnh

"Bà già đi bụi" - sáng tạo từ văn học đến điện ảnh - Ảnh 1.

Nhận vé mời của đạo diễn Trần Chí Thành, tôi đã có mặt ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) dự lễ ra mắt phim Bà già đi bụi vào tối 27/9/2024 cùng nhiều nghệ sĩ ngành điện ảnh. Khi dòng chữ cuối cùng kết thúc, đèn bật sáng, tôi vẫn lặng người hồi lâu ngẫm ngợi, nghĩ suy, day dứt với bao tâm trạng.

Phim Bà già đi bụi cứ đeo đẳng, bám bện, dằng dai, mải miết theo tôi với một ấn tượng khó phai về giá trị nhân văn, về tình người, tình đời, khát vọng sống, khát vọng được yêu, khát vọng được sống cho chính mình… với mọi lứa tuổi “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”…

Từ truyện ngắn đến kịch bản điện ảnh

Kịch bản Bà già đi bụi do NSƯT Phi Tiến Sơn chắp bút từ truyện ngắn cùng tên với chất văn đẹp, lạ và độc đáo của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc truyện ngắn này trước khi xem phim cùng tên mới thấy đạo diễn phim Đào, phở và piano ở tư cách biên kịch đã thực sự sáng tạo, vừa đảm bảo tôn trọng tác phẩm văn học gốc (1.799 chữ) vốn là nghệ thuật ngôn từ, vừa thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh cho phim có một cuộc sống mới, phong phú, hấp dẫn.

Nếu không bằng tài năng của cả ê-kíp sáng tạo từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, âm thanh… thì làm sao phim Bà già đi bụi có thể chạm đến trái tim khán giả, đậm đà thông điệp nhân văn đến thế. Là người sáng tạo ý tưởng, Phi Tiến Sơn đã khởi động công việc, kết nối các ý tưởng một cách hợp lý, logic, tạo nên chất truyện với hành động, diễn biến tâm lý, thoại… để “cộng hưởng” cùng nhà Nguyễn Ngọc Tư thổi hồn cho kịch bản giàu cảm xúc, đẹp như một bài thơ.

Mở đầu truyện ngắn, chất văn đẹp như thôi miên người đọc: “Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm lên thềm. Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây khi tivi hết chương trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu với tay ra sau tự đấm lưng. Radio mở rọt rẹt chương trình ca nhạc cải lương cuối chiều…”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không đi sâu vào chi tiết, không lý giải vì sao “ngoại có bồ”; không kể lai lịch người đàn ông; không kể xuất xứ quan hệ giữa ngoại với bồ; không mang luân lý đạo đức xét đoán quan hệ… Nhưng lên màn ảnh, nhà biên kịch, đạo diễn phải bằng đặc trưng của điện ảnh, của hình ảnh động để hé mở cốt truyện. Là ngoại biết ơn người cứu mạng khi xuồng chở cô dâu chú rể va chạm với xuống khác, toàn bộ người trên xuống bị hất xuống sông. Ngoại – cô dâu đám cưới ngày ấy đã được một thanh niên cứu sống. Ngôn ngữ điện ảnh lợi thế khi có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ, khả năng biểu cảm của nghệ sĩ… đã mang đến hình ảnh sống động, tác động trực tiếp đến mọi giác quan của người thưởng thức.

Cảnh mơ ước ngoại và bồ gặp nhau hàn huyên đủ chuyện. Nếu trong truyện ngắn là “ngoại nói với bồ, cố cười giòn trong điện thoại, mà cay mắt” thì trong kịch bản, Phi Tiến Sơn cùng đạo diễn để hai người gặp nhau trong tưởng tượng.

Các con của cả ngoại và bồ đều nghĩ ra nhiều trò cấm cản kéo chân không cho họ xê dịch đến với nhau. “Gái Lớn biết ngoại có mối tình ở đâu đó rất xa, vài tháng lại hẹn hò một lần, và những chiều nắng đẹp ngoại hay đờ đẫn. Con nhỏ giả bộ như không biết. Giống như Gái Giữa vẫn nhớ má đã từng nói muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cho mình, nhưng nó lơ luôn… Tụi nó thay nhau canh giữ bà mẹ bằng cách dúi cho bà mấy đứa trẻ, nhờ bà đan áo len cho mùa đông tới…”. Mỗi khi gặp nhau, ngoại kể với bồ việc cấm cản đó “Tấm muốn đi chơi hội thì phải xong việc đã, cũng may tụi nhỏ không đến nỗi trộn lẫn đậu xanh và đậu đỏ để bắt mình nhặt ra đậu… xanh”. Bồ cũng không hơn khi “con gái yêu nhằm thằng nghiện, con trai du học cần rất nhiều tiền… Tụi nhỏ biết ba nó sắp đi chơi, nên cũng giấu biệt chòm răng giả rồi, sao dám đi ra đường đây”…

Mặc cho những rào cản, hai người thả sức tưởng tượng cho những cuộc xê dịch; thao thiết đến đèo Gió, “bồ bảo chúng ta sẽ đến đây mượn một căn nhà sàn của người Nùng, tụi mình làm nương tỉa bắp. Chừng bẻ đợt bắp đầu tiên mình đốt lửa nướng ăn một bữa no nê, rồi gói ghém hành lý ra đi. Mình trồng nhãn, mít ở những nơi mình đến mà không chờ hái trái…”. Nhà biên kịch đã chuyển tải điều đó vào cuộc gặp gỡ trong mơ. Dù có nhiều cuộc “đi bụi” bất thành, nhưng ngoại vẫn không thôi niềm hy vọng: “Ngó nghiêng lại hành lý lần nữa, ngoại nghĩ chắc là không bỏ sót gì. Dầu gió, thuốc huyết áp, áo ấm,… vẫn còn nguyên trong giỏ xách từ chuyến đi bụi không thành lần trước”…

Phi Tiến Sơn đã sáng tạo nhiều tình huống, hành động, diễn biến tâm lý, thoại… ngoài tác phẩm văn học làm tăng thêm tính hấp dẫn cho phim. Đó là diễn biến tâm lý của con cháu khi biết mẹ/ngoại có một mối quan tâm khác. Cảnh anh Hai chỉ đạo các em, vợ con cảnh bố trí, sắp xếp canh chừng, cấm cản bà Năm “đi bụi”. Cảnh bà Năm phơi khô sặc mang đến cho người đàn ông năm xưa đầy ám ảnh. Cảnh những lá thư của hai người làm vui khuây tình người sâu thẳm. Câu nói “ở đâu cũng được, nhà là nơi có người thương…” sâu sắc xúc động.

Mỗi lần gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn nói với em: “Chị yêu chất văn của em. Đọc truyện của em như được đi du lịch, khám phá miền sông nước Tây Nam bộ. Ngôn ngữ văn chương sinh động, được thăng hoa bởi ngôn ngữ điện ảnh. Văn hóa vùng đất, con người miền Tây thấm đẫm, sống động vô cùng từ Cánh đồng bất tận đến Tro tàn rực rỡ, Củi mục trôi về, Bà già đi bụi…”. Em cười hiền hiền, thủ thỉ rằng khi viết đối diện với nhân vật của mình, chỉ quan tâm đến câu chuyện, đến nội tâm của nhân vật, nhưng hình ảnh động của điện ảnh có lợi thế riêng chị à…

“Bà già đi bụi” lên màn ảnh

Phim lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ hôm nay khi nhịp sống mới hối hả, cuộc sống mưu sinh đầy toan lo, bận rộn… thì khoảng cách thế hệ ngày càng rộng roãng. Không lạ khi cuộc sống hiện đại hôm nay, con người no đủ về vật chất, nhưng lại rất thiếu thốn cuộc sống tinh thần. Nhất là thế hệ người cao tuổi khi người bạn đời đi trước, để lại khoảng trống rất lớn, cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trong nhịp sống đó, con cháu không thấu hiểu, hoặc có hiểu cũng lơ đi cảm xúc, nỗi niềm đó.

Bà Năm do NSƯT Nguyễn Minh Trang đóng là một người phụ nữ như vậy. Sau khi con cái khôn lớn, trưởng thành, niềm mong của bà thật giản dị là trước khi nhắm mắt xuôi tay được gặp được người tri kỷ năm xưa.

Xác định phim thuộc đề tài tâm lý, tình cảm gia đình, câu chuyện không có nhiều xung đột, nên đạo diễn Trần Chí Thành đã chọn cách kể chuyện dung dị, tập trung vào cảm xúc, tâm trạng, tình cảm gia đình. Đây là cách làm phù hợp, hiệu quả.

Đạo diễn chia sẻ: “Tôi đã chọn cách kể chuyện đơn giản, nhẹ nhàng, không quá nhiều xung đột để gây kịch tính. Cũng không lên gân lên cốt làm mâu thuẫn đẩy lên cao. Nhờ đó, mối quan hệ của các nhân vật trong phim được thể hiện một cách thuần chất, giản dị, chân thật nhất về đời sống con người và văn hóa vùng bản địa. Điều tôi và ê-kíp quan tâm là thông điệp nhân văn được gửi gắm trong đó”.

Đạo diễn nói riêng với tôi: “Phim chiếu cho sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội học tập tốt chị nhỉ”? Sao không, một bộ phim về gia đình tràn trề cảm xúc về tình người, sự thấu hiểu, cảm thông… cần lắm chứ!

Làm nên thành công cho phim, ngoài tài năng của đạo diễn, hình ảnh, thiết kế mỹ thuật, âm thanh… phải kể đến sự hóa thân của diễn viên như: Minh Trang (vai bà Năm), Tiết Cương (vai Hai Thật), Thúy Diễm (vai Út Thà), Phạm Hy (vai Tài)…

Đặc biệt, sự trở lại phim điện ảnh của NSƯT Minh Trang thật ngoạn mục sau thời gian dài. Là diễn viên miền Bắc, không khỏi khó khăn khi vào vai người phụ nữ miền Tây Nam bộ lớn tuổi. Nhưng bằng tài năng, độ chín của nghề, sự nghiêm túc học hỏi, chị đã vào vai diễn một cách tự nhiên. Khuôn mặt dịu dàng, ánh mắt trìu mến, ấm áp, chị đã phát huy lợi thế biểu cảm nội tâm, đặc biệt là đôi mắt biết nói. Minh Trang diễn mà như không diễn.

Đây là 1 trong 18 tác phẩm điện ảnh tham gia giải Cánh diều 2024 và đoạt Bằng khen tại Lễ trao giải Cánh diều 2024 tại thành phố điện ảnh Nha Trang.

Exit mobile version