Site icon VIP777

Nhà văn Lê Phương Liên: “Tôi yêu Hà Nội như yêu ông bà, cha mẹ mình”

Nhà văn Lê Phương Liên: "Tôi yêu Hà Nội như yêu ông bà, cha mẹ mình" - Ảnh 1.

Lê Phương Liên là một trong số không nhiều nhà văn đam mê theo đuổi văn học thiếu nhi suốt hàng chục năm qua. Chị cũng là nhà văn được chọn giảng dạy trong nhiều lần thay đổi sách giáo khoa. Với bộ sách giáo khoa mới, chị có hơn 10 tác phẩm được giảng dạy.

Nhà văn đã có những chia sẻ về tình yêu văn học thiếu nhi của mình và với tình yêu về quê hương mình: Hà Nội.

Với tôi, Hồ Gươm là đẹp nhất!

* “Bốn mùa trong ánh nước”, một tản văn ngắn nhưng rất đẹp, được viết từ cảm hứng nào?

– Bài Bốn mùa trong ánh nước in ở sách lớp 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là bản đã được biên tập, rút gọn từ tản văn cùng tên. Bài tản văn này lần đầu tiên được in trên báo Văn nghệ tháng 10/2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sau đó được in trong nhiều tuyển tập văn chọn lọc viết về Hà Nội. Gần đây nhất có mặt trong cuốn Câu hỏi trẻ thơ, tuyển tập truyện ngắn và tản văn 50 năm (1970-2020) của tôi được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc năm 2020.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Dầu, tôi đã có tuổi thơ, tuổi thanh xuân gắn bó với hồ Gươm. Tôi đã chập chững tập đi những bước đầu tiên trên con đường bờ hồ. Tôi đã đi học hàng ngày bên bờ. Đã có những cuộc dạo chơi với những người bạn tri âm, tri kỷ bên bờ hồ Gươm suốt một thời thanh xuân trong sáng. Tôi đã sống và quan sát mặt hồ bốn mùa, với bao cảm xúc vui, buồn.

Bài Bốn mùa trong ánh nước được viết năm 2000 khi tôi đã không còn ở khu phố cổ. Trong nỗi nhớ hồ Gươm, nỗi nhớ tuổi thơ; trong tình yêu hồ Gươm – trái tim của Hà Nội; trong niềm tự hào của người Hà Nội, tôi viết nên tản văn này. Tôi đã có dịp được đi một số nơi trên thế giới: Châu Âu, Nhật Bản, Australia… nơi nào cũng có vẻ đẹp riêng. Để rồi nhận ra rằng với mình, hồ Gươm là đẹp nhất! Ban đầu tôi viết để cho mình, hình ảnh hồ Gươm hiện lên trong tôi như một người thân yêu nhất. 10 năm sau tôi mới có dịp công bố bài này. Hơn 20 năm sau được có mặt trong sách giáo khoa. Tôi thấy mình thật hạnh phúc.

* Tản văn này làm tôi nhớ đến nhiều tác phẩm khác mà chị viết về mảnh đất, cuộc sống, con người ở Thủ đô. Chị có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm, tình yêu của mình với mảnh đất này?

– Hà Nội là quê hương tôi. Quê cha, quê mẹ của tôi đều ở Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội như yêu ông ba, cha mẹ mình. Kỷ niệm và tình yêu với mảnh đất này ư? Làm sao có thể nói được trong một lời? Nhìn lại tất cả những gì mà tôi đã viết ra, thực sự tôi chưa hài lòng. Muốn viết được một tác phẩm cho xứng đáng với lịch sử, con người, cảnh sắc, văn hiến Hà Nội. Tôi nghĩ mình còn phải tự biết nâng cao tầm nhìn và ngòi bút khi viết về Hà Nội. Không phải cứ có quê hương ở Hà Nội, hoặc sinh ra lớn lên ở Hà Nội là tự nhiên thành người Hà Nội. Để thành người Hà Nội cần có một quá trình tự tìm hiểu thêm về quê hương mình sâu sắc hơn.

* Có nhiều tác phẩm được chọn giảng dạy trong SGK, điều này có nhiều ý nghĩa gì với một nhà văn đã để dấu ấn trong văn học thiếu nhi hàng chục năm qua? Xin chị chia sẻ về một số cảm hứng sáng tạo, hoặc kỷ niệm với những tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách?

– Thực lòng khi ngồi viết một bản thảo nào, tôi chưa bao giờ nghĩ bài này sẽ được vào sách giáo khoa. Tôi chỉ nghĩ sẽ viết làm sao cho hay nhất với khả năng của mình lúc đó. Khi được tin bài này bài kia của mình được vào sách giáo khoa, tôi rất vui, nhưng không hề nghĩ mình “tài giỏi” hoặc văn của mình “mẫu mực”. Tôi luôn tự nhủ rằng: Chắc vì bài ấy phù hợp với một chủ đề nào đó của các nhà làm sách giáo khoa, và có lẽ mình cũng có một chút may mắn chăng?

Bài Núi quê tôi trong Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Bài văn này được các bạn làm sách giáo khoa lấy từ tuyển tập Văn học cho thiếu nhi (Nhà xuất bản Văn học, 1996). Bài Núi quê tôi thực là núi quê chồng tôi. Tôi lấy chồng quê ở làng Phương Nhi, thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Từ lần đầu tiên tôi về làng này, tôi đã cảm thấy vô cùng yêu thích quả núi bé nhỏ ở một làng quê đồng bằng thanh bình. Toàn bộ bài văn ấy là cảm xúc chân thực của những lần đi về quê Nam Định.

Tôi là người Hà Nội, nhưng đã có 3 năm ở tuổi thiếu niên (1965-1968) đi sơ tán ở Thuận Thành (Bắc Ninh), sống ở làng Đông Côi. Tôi đã thực sự hòa mình vào cuộc sống của người nông dân, gắn bó với làng quê. Trong tâm hồn tôi có chất “quê” thuần phác, hòa quyện tự nhiên với chất thanh lịch của truyền thống gia đình ở Hà Nội. Tôi đã yêu thương ngọn núi bé nhỏ ở vùng đồng bằng Nam Định. Núi này không cao lớn hùng vĩ như núi ở dãy Hoàng Liên Sơn phía Bắc. Càng không thể giống cảnh hùng quan của đèo Hải Vân, khi dãy Trường Sơn hùng tráng tiến sát ra biển. Núi quê tôi không mấy người biết tên đã trở nên lộng lẫy, đầy cảm xúc yêu thương trong câu văn của tôi, bởi đấy là núi ở quê chồng, cũng là quê mình vậy. Thế rồi Núi quê tôi vào sách giáo khoa. Quả thực là tôi có chút bất ngờ.

Tôi không bao giờ mơ tưởng văn nghị luận của mình sẽ vào sách giáo khoa. Thế mà đột ngột, tôi biết tin bài viết Sức hấp dẫn của tác phẩm “Hai vạndặm dưới đáy biển” của tôi có mặt trong Ngữ văn7, tập 1, bộ Cánh diều.Đây là bài giới thiệu sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne, do Đỗ Ca Sơn dịch. Đây là một cuốn sách rất có ích cho trẻ em, nhất là trẻ em đang lớn, đang tự trưởng thành. Bài đăng trên một báo điện tử. Tôi thực sự nể phục các bạn làm sách giáo khoa đã chịu khó đi tìm nguồn văn liệu trên cả các báo điện tử. Thật vui sao, khi thấy toàn bộ bài viết đã được đưa nguyên văn vào sách giáo khoa, dùng trong phần Nghị luận văn học. Việc phân đoạn và những câu hướng dẫn học sinh tìm hiểu đoạn văn và cả bài văn đã khiến tôi thực sự phấn khởi.

Một đoạn văn mà tôi thích nhất trong bài viết này là: “Con người tưởng như là thật bé nhỏ, yếu ớt trước đại dương lớn lao, dữ dội. Nhưng với hình tượng thuyền trưởng Nê-mô và con tàu No-ti-lớt sinh ra từ nỗi đau khổ của thế giới loài người, nhà văn Pháp Vec-nơ đã khiến cho người đọc nhận ra rằng con người mới thật là dữ dội, bởi con người chứa trong tâm can “một đại dương”. Cuộc vật lộn giữa con người và đại dương thực sự là một cuộc hòa đồng, con người đã và sẽ sống chung với biển cả, yêu biển cả và càng ngày càng tìm hiểu biển cả sâu sắc hơn, như tìm hiểu chính bản thân mình”.

Đoạn văn này đến với các em học sinh khiến tôi vui sướng lắm! Đối với người viết còn gì vui hơn khi bài văn của mình được mọi người tìm hiểu và cảm nhận từng câu từng chữ.

Ấp ủ một cuốn sách về Hà Nội

* Dù đã ở tuổi hưu, chị vẫn viết đều tay, vẫn quan tâm chia sẻ về văn học thiếu nhi. Điều gì giúp chị có nhiều năng lượng và sự quan tâm với mảng văn học thiếu nhi đến thế?

– Khi bước vào con đường sáng tác văn học, tôi đã có một “lý tưởng thẩm mỹ” trong tâm của mình. Thế hệ chúng tôi được sống trong một bầu không khí có lý tưởng. Bởi thế việc làm giáo viên, hoặc làm biên tập viên đều là một nghề cụ thể. Lý tưởng văn học của mình không phụ thuộc vào mình làm nghề gì, cũng không phụ thuộc vào mình là một cán bộ đương chức hoặc về hưu.

Nhà xuất bản Kim Đồng đối với tôi là một trường đại học lớn, nơi tôi đã tốt nghiệp với một kết quả tốt. Do đó khi về hưu tôi vẫn hứng thú làm việc với các hoạt động văn học thiếu nhi mỗi khi các bạn trẻ có nhu cầu cần một người bạn đồng hành. Tôi được gặp gỡ những người bạn cùng chí hướng, có trình độ học vấn hơn tôi, vì được đào tạo bài bản hơn. Đối với tôi như thế thật là hạnh phúc. Tôi càng làm việc càng khỏe. Có lẽ niềm hứng thú công việc tiếp thêm cho tôi năng lượng chăng?

* Làm sao để có thể trở lại ngày xưa – thời mỗi cuốn sách được in hàng chục nghìn cuốn, nhất là văn học thiếu nhi?

– Đây là một chủ đề không đơn giản. Tôi không tìm được câu trả lời!

* Tác phẩm chị đang ấp ủlà?

– Như đã nói ở trên, tôi muốn viết một cuốn sách về Hà Nội.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tên đầy đủ là Lê Thị Phương Liên, sinh ra tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hiện là ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Exit mobile version