Triển lãm tranh sơn mài “Nghe kể chuyện làng mình” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn.
Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, lên Pleiku nhận nhiệm vụ và sống tại đây từ mùa Đông năm 1985 cho đến nay. Chị có lẽ là nữ họa sĩ đầu tiên mang việc vẽ sơn mài một cách bài bản đến Tây Nguyên.
Những khó khăn, thử thách ban đầu là đương nhiên, nhưng chị cũng đã sớm hòa nhập, gắn bó với miền đất mới, đến nay gần 40 năm qua. Miền đất mới nó từ từ chạm, thấm vào trái tim chị một cách chân thực, tự nhiên, để rồi việc chị vẽ con người Tây Nguyên cũng tự nhiên như vậy, vì chị yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp nơi, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt… Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh về triển lãm khá đặc biệt này.
Lâu lắm rồi, hôm nay lại nghe Hồ Thị Xuân Thu kể chuyện làng mình, một câu chuyện dài với 64 bức tranh sơn mài quá đẹp. Có lẽ đây là dịp hiếm hoi để được xem loạt tranh mới này của chị, để làm ra chừng đó tranh sơn mài, có bức dài đến hơn bốn mét, quả thực phải khâm phục sức làm việc của nữ hoạ sĩ với độ tuổi này.
Hồ Thị Xuân Thu xuất thân là một thiếu nữ Huế, tốt nghiệp đại học Nghệ thuật Huế. Sau khi ra trường thì chị chọn vùng đất Tây Nguyên để làm quê hương thứ hai của đời mình, gọi là quê hương thứ hai nhưng Pleiku lại là nơi sống lâu hơn quê hương thứ nhất. Có lẽ trong sâu thẳm, chị đã bén duyên với vùng đất đỏ bazan này, bén duyên với những mùa nương rẫy quanh năm, những bụi mù đất đỏ.
So với tranh của nhiều đồng nghiệp Tây Nguyên khác, thì tranh của Hồ Thị Xuân Thu giản lượt khá nhiều về hình thể, về các chi tiết rườm rà trong tranh để đẩy các nhân vật, cây cối, tinh thần của tranh… được nhấn mạnh hơn, khoáng đạt hơn trong không gian tranh. Thật sự tôi hơi bất ngờ một số tranh trong seri này, đẹp hơn dự đoán ban đầu của tôi, so với sức làm việc của một người phụ nữ như chị. Để mà ” cày cuốc” ra mấy chục bức sơn mài chu đáo như thế thì quả là không phải người phụ nữ nào cũng làm được.
Tôi thích cách chị dựng bố cục, mảng miếng hình khối cô đọng một cách khỏe khoắn, ở một số bức bố cục đứng rất thú vị, các hình tiết lớp lang cao thấp xa gần rất hay, đường nét, màu sắc cảm giác như một số tranh truyền thống của Nhật Bản, rất mềm mại và nhiều chất thơ trong tranh. Chị đã miệt mài làm nên các tác phẩm trong nhiều năm nên một số bức cho ta cảm nhận sự khác biệt, những bức càng về sau càng đơn giản nhưng nhuần nhuyễn, màu sắc đẹp trang nhã hơn.
Tuy vẽ về đề tài Tây Nguyên nhưng màu sắc và đường nét nhìn vào là thấy chất nữ tính ngay trong tranh của chị, cảm giác đầu tiên khi ngắm là tranh rất tình cảm. Loạt tranh của chị xem là thấy tình cảm của một người đứng quan sát lâu năm về các bản làng, về cách sinh hoặt ăn ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, những cô gái đi rẫy về, những gùi nước trên lưng, khung cảnh tắm rửa giặt giũ bên bờ suối…
Đâu đó còn nghe dư âm của tiếng cồng chiên trong đêm khuya của lễ hội bỏ mả, lễ hội lúa mới của đồng bào Gia Rai, Ê-đê, Ba-na… Tranh của Hồ Thị Xuân Thu ít thấy những vật vả phồn thực loã lồ như một số tác giả khác, có lẽ do chị là một phụ nữ Huế, nên còn đâu đó trong mình chút bẽn lẽn chăng.
Xem tranh chị nhớ về những buổi chiều Tây Nguyên, nghe tiếng mõ khua kêu lục cục từ các đàn trâu, đàn bò khi chiều về, tiếng những cô gái gùi củi gùi ngô cười nói ríu rít, và rụt rè bẽn lẽn tránh mặt khi thấy người lạ… Những buổi chiều Tây Nguyên đôi khi hơi buồn toát lên trong tranh của chị, những cột khói đốt nương rẫy bay lên xa xa, gợi lên một nỗi buồn man mát rất dễ chịu với những gam màu lam, chàm, xanh biếc trong tranh.
Với những ai đã từng đến, từng ở Tây Nguyên, mới cảm giác được hơi thở, sức sống của đồng bào ở đây. Nhớ những đêm lễ hội, rượu cần say ngút ngàn tới sáng, tiếng cồng chiêng, những điệu nhảy xoang bên đống lửa giữa trời lạnh của đêm cao nguyên. Những cảm nhận đó, hơi thở đó, đều thấy trong tranh Hồ Thị Xuân Thu, khơi gợi những nhung nhớ cho những ai khi đi xa Tây Nguyên một nỗi nhớ quá đỗi thân thương và mãnh liệt.
Nói như hoạ sĩ Mai Thị Kim Uyên, người học trò và cũng là người bạn nghề chung xưởng sơn mài với Hồ Thị Xuân Thu: “Cô Thu vẽ như sự giác ngộ tự thân, vô tư như tinh thần của một người Tây Nguyên, và tự dặn mình tại sao không như một người Tây Nguyên? Cho nên trong tranh cô Thu đã thoát ra khỏi sự đẹp xấu và để cho cảm xúc trôi đi một cách tự do như một người Tây Nguyên vô tư. Cô Thu đã phá hết luật lệ, không câu nệ cơ bản hay hàn lâm nữa, nhưng vẫn rất nghiêm túc trong thực hành nghệ thuật, làm chủ được mọi yếu tố kỹ thuật và bút pháp của mình. Nói như là: Đôi tay tôi đã diễn tả được những gì tôi muốn nói”.
Và đúng là tinh thần của một người sống ở Tây Nguyên lâu năm mới cảm nhận hết được những gì hiện hữu quanh chị, để người hoạ sĩ ghi chép lại những tâm thức, những thổn thức của một người thực hành nghệ thuật giữa cõi nhân gian này, nơi hoạ sĩ đang sống. Nghe tên những tác phẩm như: Đợi tháng ba về, Xôn xao mùa gió, Hoa pơlang đường về, Chiều Tây Nguyên… là đã cho người xem một tâm trạng bâng khuâng, xốn xang cõi lòng, yêu đến lạ vùng đất bazan này, yêu những con người vẫn còn hoang sơ nhưng giàu tình cảm nơi đây, yêu những buổi chiều xanh thẳm và vắng lặng trên một đồi cao.
Là ghi chép lại những giá trị đang hiện hữu, những gì đã qua đi, và những giá trị đậm chất Tây Nguyên sẽ mất dần theo thời gian, người hoạ sĩ đã trải lòng mình, với vốn sống gần bốn mươi năm ở Tây Nguyên, tuy không nhiều nhưng cũng không phải là ít, gần một nữa đời người, để sống, cảm nhận và chiêm nghiệm, thỏa sức cho những ký ức ghi chép ùa về, và rồi những tác phẩm sơn mài của chị, một chất liệu dân dã và mạnh mẽ như một người Tây Nguyên dân dã, đã giúp chị nói lên hết lòng mình: Đôi tay tôi đã diễn tả được những gì tôi muốn nói.