Site icon VIP777

Quỹ Phòng, chống thiên tai các địa phương còn gần 2.300 tỷ đồng

Quỹ Phòng, chống thiên tai các địa phương còn gần 2.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2014. Tính đến 20/9/2024, 63/63 tỉnh, thành phố thu được 5.925 tỷ đồng, chi 3.686 tỷ đồng, kết dư quỹ 2.263 tỷ đồng.

Về việc quản lý, sử dụng quỹ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, toàn bộ nguồn thu quỹ trong năm (bao gồm cả lãi từ tài khoản tiền gửi) sẽ chi cho các nội dung hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn của tỉnh/thành phố. Các hoạt động ưu tiên là: hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa. Tồn dư quỹ cấp tỉnh là số tiền quỹ thu được từ khi thành lập, hàng năm nếu chi không hết được chuyển sang các năm sau để sử dụng tiếp.

Hiện nay, sau khi bị thiệt hại do bão số 3 năm 2024 gây ra, một số địa phương dự kiến sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Cụ thể: Lào Cai 5 tỷ đồng, Hải Phòng 50 tỷ đồng, Điện Biên 3 tỷ đồng, Yên Bái 13 tỷ đồng, Thái Nguyên 10 tỷ đồng, các tỉnh khác đang tổng hợp thiệt hại, rà soát và đề xuất sử dụng quỹ.

Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ bao gồm: Quỹ Phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, trong những năm qua, Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Đó là: tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai để các địa phương chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, phương án, tuyên truyền, đào tạo; tiếp nhận các nguồn viện trợ thuận lợi hơn, đặc biệt là khi có tình huống thiên tai xảy ra trên diện rộng; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chống chịu trước thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo, các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, công khai nguồn thu, chi quỹ theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết.

Nguồn thu của quỹ cấp tỉnh bao gồm: hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động.

Nguồn thu quỹ còn có từ việc điều tiết từ quỹ Trung ương và giữa các quỹ cấp tỉnh; thu lãi từ tài khoản tiền gửi; các nguồn hợp pháp khác (nếu có); tồn dư quỹ cấp tỉnh cuối năm trước được chuyển sang năm sau.

Về thẩm quyền chi quỹ: UBND cấp tỉnh quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của quỹ cấp tỉnh tại Điều 16 Nghị định 78/2021/NĐ-CP theo đề nghị của cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã quyết định nội dung chi và mức chi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngoài các nội dung chi tại khoản 1 Điều 16 cho các đối tượng theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.

Việc điều chuyển cho quỹ Trung ương thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc cho các quỹ cấp tỉnh của địa phương khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Từ quy định về nguồn tài chính, nội dung chi của quỹ nêu trên cho thấy nếu tỉnh nào trong năm ít có thiệt hại về thiên tai thì sẽ không phải sử dụng nhiều đến Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh dẫn đến việc tồn dư quỹ sẽ nhiều. Nhưng khi thiên tai bất ngờ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho địa phương, việc sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thực sự cần thiết và ý nghĩa. Đồng thời, các tỉnh còn tồn dư quỹ có thể tạm ứng hoặc hỗ trợ các tỉnh khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Như vậy, việc tồn quỹ cuối năm nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình thiên tai hàng năm tại địa phương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết.

Về việc điều chuyển Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh hỗ trợ các địa phương khác bị thiệt hại được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 17 Nghị định 78/2021/NĐ-CP. Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được thực hiện việc điều chuyển cho quỹ cấp tỉnh của địa phương khác theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Chẳng hạn, Tp. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa khoảng 7,5 tỷ đồng (năm 2017 là 2,5 tỷ đồng, năm 2021 là 5 tỷ đồng). Dự kiến năm 2024, thành phố sẽ hỗ trợ 6 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai (Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình, Phú Yên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Khánh Hòa) khoảng 49,9 tỷ.

Ngoài ra, Lào Cai quyết định tạm ứng Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để hỗ trợ tỉnh Lai Châu khắc phục thiệt hại thiên tai 4 tỷ đồng (năm 2019).

Exit mobile version