Site icon VIP777

Sách “Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến”: Đồng vọng và tri âm

Sách "Minh Chuyên - Cây bút hậu chiến": Đồng vọng và tri âm - Ảnh 1.

Ngày 28/8, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt

Cơ duyên cho tôi gặp vợ chồng GS Nguyễn Công Nghiệp và bạn bè anh tại một “sáng mát trong” Hà Nội. Từ xa lạ, anh em chúng trôi trở thành bạn văn mà cầu nối chính là nhà văn Minh Chuyên – tác giả của hơn 70 cuốn sách truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học; 255 tập phim tài liệu phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam; Giám đốc Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh…

Lối đi riêng khi “không còn khoảng trống”

Văn chương không độc quyền của riêng ai, không có ngoại lệ, càng không có “vùng cấm”… miễn bạn là người yêu say với nó. Còn viết văn ngoài sự yêu say đó còn phải có tố chất, năng khiếu. Tâm huyết, trách nhiệm cùng thái độ nghiêm túc, khách quan, cởi mở là những ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với bản thảo Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến. Tôi cảm phục một nhà khoa học, một nhà quản lý vốn quen với lĩnh vực tài chính, tiền bạc, tín dụng, ngân hàng… đã dấn thân với văn chương, đã tự nguyện tiếp cận với nghệ thuật ngôn từ mà trước đó vốn thạo cách tư duy con số.

Người con vùng quê lúa Trà Giang, Kiến Xương, Thái Bình dù rất khiêm tốn, chỉ tự coi mình là “kẻ ngoại đạo”, nhưng tác phẩm anh viết đã là minh chứng cho năng khiếu. Nhà khoa học sinh năm 1953 đã được đào tạo bài bản tại Liên Xô về tài chính và công tác tại Bộ Tài chính từ năm 1978 cho đến khi nghỉ hưu (2014), cho thấy sự toàn tâm, tự nguyện bước vào “ngôi đền văn chương” hướng tới cái đẹp, hướng tới những giá trị nhân văn với ước mong được thụ hưởng và sáng tạo cái đẹp. Chả thế, anh đã dành bao tâm huyết viết cuốn sách bằng sự trân trọng, tri ân đồng hương Thái Bình của mình.

Tiếp cận Minh Chuyên, ngoài cảm phục, tôn kính, bằng lối tư duy bén nhạy của nhà khoa học, tác giả đã chọn lối viết theo thể loại ghi chép để không “đụng hàng” với các tác giả đã viết về Minh Chuyên. Anh bộc bạch: “Khi có ý định viết về ông, tôi có cảm giác không còn khoảng trống nào để chen chân. Vì vậy, tôi nảy ra ý định tìm hiểu sâu hơn bằng cách trò chuyện với ông. Tôi nghĩ, mọi thứ nếu được ông tự nói ra thì sẽ hay hơn rất nhiều”.

Dẫu biết “không còn khoảng trống”, Nguyễn Công Nghiệp “lập tức triển khai ngay kế hoạch” theo lối đi của riêng mình cho cuốn sách Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến với 7 bài ký được bố cục chặt chẽ, logic, theo 2 phần: Trò chuyện cùng nhà văn Minh Chuyên và gặp lại những nhân vật nổi tiếng bước ra từ một số tác phẩm tiêu biểu của ông.

Tác giả đã ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, chọn lựa nhiều chi tiết chân thực cho các bài ký. Anh “áp sát” đối tượng khám phá. Phải tâm huyết, đam mê theo đuổi nhân vật của mình, tác giả mới có được nguồn tư liệu chân thực đến thế.

Trên cơ sở đã đọc kỹ tác phẩm, tác giả cứ nhẩn nha hỏi, cần mẫn viết theo cách phỏng vấn mà mình chính là nhân vật “tôi”. Cái tài của nhân vật “tôi” là cách tạo tâm thế gần gũi, tin cậy, chân thành để gợi chuyện, để hỏi chuyện, để xoáy vào câu chuyện, để nhà văn mở lời không giấu giữ.

“Mỏ vàng” Minh Chuyên

Vào mặt trận mới 2 tháng, Minh Chuyên đã được kết nạp Đảng. Tác giả ghi chép theo lời kể của nhà văn: “Đơn vị tôi được huy động đi thồ súng đạn cho chiến trường Bình Phước. Mỗi anh tiêu chuẩn thồ 8 thùng đạn CKC, tôi hăng hái thồ 10 thùng, khoảng 4 tạ… Tôi làm gì cũng tích cực, nên được tuyên dương, rồi được xét kết nạp Đảng…”.

Trò chuyện cùng Minh Chuyên, tác giả đối diện với một nhà văn – chiến sĩ tiềm tàng nội lực, một “mỏ tư liệu quý giá” khiến người phỏng vấn cảm phục. Với tư chất của nhà nghiên cứu, vốn văn học tiềm ẩn, tác giả đã rút ra được thế mạnh, phong cách nhà văn Minh Chuyên là ghi chép – bút ký “tất cả những truyện của tôi đều là thật. Nếu cứ chép y nguyên cuộc sống đời thường thì không vào lòng người được. Thế nên, nhà văn phải tái hiện lại như thế thì mới ra câu chuyện, phải tái hiện lại sự việc bằng hình tượng cụ thể”.

Đó chính là vấn đề sáng tạo. Phải sáng tạo mới trở thành tác phẩm văn học. Phải sáng tạo mới trở thành nhà văn. Nhà văn thể hiện tác phẩm sáng tạo trên nền hiện thực. Từ hiện thực có phần trần trụi, nhưng cái tài của nhà văn là phải chuyển tải được sự thật đó đến người đọc bằng nghệ thuật ngôn từ. Bởi, cứ viết trần trụi theo hiện thực hoặc hư cấu không tới, không phù hợp tư tưởng mà xã hội cảm nhận được thì sẽ không đạt yêu cầu.

Tác giả cảm nhận sâu sắc ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm của Minh Chuyên là không dùng ngôn ngữ trau chuốt, bóng bẩy hay “làm xiếc ngôn từ” cho nhân vật của mình. Nói như Minh Chuyên, “người viết chú trọng hiện thực, hiện thực tới mức độ đọc cứ sởn gai ốc chính là hiện thực cuộc đời. Câu chuyện đã thật thì ngôn ngữ thể hiện phải thật. Ngôn ngữ bóng bẩy đặt vào câu chuyện thật là vất đi”… Tác giả được nhà văn Minh Chuyên hé mở “chuyện bếp núc” nghề viết như thế.

Ở chiến trường, Minh Chuyên xông xáo, nhận nhiều nhiệm vụ của chiến sĩ – nghệ sĩ, được rèn giũa, thử lửa, trưởng thành trong hiện thực chiến trường ác liệt. Minh Chuyên viết truyện, viết lời bình, biên kịch cho Đoàn làm phim chiến trường B2 (tiền thân Hãng phim Giải phóng). Là đạo diễn, dù không được học một ngày đạo diễn nào, nhưng có 18 huy chương (10 huy chương vàng), đoạt cúp vàng quốc tế…

 Sau 10 năm chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ, năm 1976, Minh Chuyên trở về quê hương, thấm thía, xót xa trước di họa chiến tranh. Nhiều nỗi đau vẫn còn đó. Biết bao người con đã anh dũng hy sinh. Những vùng đất bị nhiễm độc, sót lại bom mìn và cái chết vẫn rình rập. Người dân vẫn đang phải gồng sức vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh…

Với trách nhiệm của người cầm bút, Minh Chuyên đồng cảm, chia sẻ nỗi đau, di họa chiến tranh đang hiện hữu, để tiếp tục dấn thân với đề tài hậu chiến: “Tôi đi sáng tác, đi viết văn, chủ yếu tìm thương binh, liệt sĩ, những người bị nhiễm chất độc da cam. Tôi đã xác định cả đời chỉ đi tìm thương binh, liệt sĩ để viết, chỉ những hoàn cảnh đặc biệt thôi… Rồi từ đó đến nay liên tục các câu chuyện về thương binh, liệt sĩ, nạn nhân da cam… Tôi bắt đầu viết từ đấy. Và có viết cả đời cũng không đền ơn, đáp nghĩa được sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để có được hòa bình như hôm nay”…  

Minh Chuyên viết nhiều thể loại, nhưng thể ký mới là thế mạnh, khởi đầu từ bút ký Thủ tục làm người còn sống xôn xao dư luận cả nước. Minh Chuyên khẳng định hướng đi riêng với hàng loạt bút ký nổi tiếng như Người lang thang không cô đơn, Di họa chiến tranh, Những linh hồn da cam, Người liệt sĩ có nửa linh hồn, Không được thành người, Vết thương không mảnh đạn…

Đứa con màu da thú là bút ký đầu tiên viết về nạn nhân chất độc da cam. Từ bút ký trên, Minh Chuyên viết kịch bản, đạo diễn phim tài liệu Cha con người lính… Chính từ những bài viết chân thực đó đã góp phần tác động tích cực tới các chính sách đối với người có công, thương binh, liệt sĩ, nhân chất độc da cam/dioxin.

Biết những khó khăn phải đối mặt, nhà văn không ngại khó, không ngại “đụng chạm”, lại càng không tránh né sự thật… Minh Chuyên tự đặt cược, định vị ngòi bút của mình ở đề tài hậu chiến. Nhà văn xác tín một sự nghiệp, tự đi trên con đường riêng. Thậm chí, Minh Chuyên đã phải đối mặt, gặp “sự cố rắc rối”, vướng vào bao thị phi, phiền hà…

Tác phẩm của Minh Chuyên viết về người lính Trần Quyết Định, quê ở Vũ Thư bị lạc đơn vị, bị báo tử nhầm. Để xin được thủ tục làm người còn sống, anh đã phải gặp bao khó khăn trắc trở, đến rất nhiều cơ quan công quyền… ròng rã hơn 10 năm. Từ đó nhà văn cùng Trần Quyết Định mang hồ sơ đi khắp nơi. Minh Chuyên chia sẻ “3 năm không làm được cộng với 10 năm Định đi làm một mình và không có kết quả tôi mới viết Thủ tục làm người còn sống. Tôi kể lại hành trình ấy… Như đánh trúng tâm trạng xã hội, nên chỉ mấy ngày sau khi đăng trên báo Văn nghệ, tác phẩm đã ngay lập tức tạo ra một cơn địa chấn…”. Nhưng sau “địa chấn” đó là những rắc rối ập đến với nhà văn… Hành trình gian nan, vất vả, bền bỉ được đền bù khi sau này, Thủ tục làm người còn sống đã được Bộ Quốc phòng trao tặng giải thưởng tác phẩm VHNT và báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 1984 – 1994.

Sau Thủ tục làm người còn sống, nhà văn Minh Chuyên tiếp tục viết bút ký thứ hai Người lang thang không cô đơn. Câu chuyện có thật về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc (làng Vũ Chính) đi lang thang suốt 10 năm được ông bà Châu ở Hà Nội cưu mang, giúp đỡ… Dư chấn và sức lan tỏa giá trị nhân văn từ bút ký rất lớn. Vở kịch “Người không cô đơn” (Đoàn kịch Thái Bình) đã làm chấn động sân khấu kịch và truyền hình cả nước năm 1993 bằng cái nhìn chân thực, nhân văn.

Sự thành thực với lao động sáng tạo đã giúp Minh Chuyên công bố tác phẩm, tạo hiệu ứng xã hội, lan tỏa cái Đẹp. Sau tác phẩm Người lang thang không cô đơn, Chính phủ đã quyết định thành lập quỹ mang tên “Quỹ người không cô đơn” (quỹ Đền ơn đáp nghĩa). Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được được duy trì đến ngày nay, được nhân dân cả nước hưởng ứng, nhiệt tình ủng hộ hoạt động thấm đẫm tính nhân văn. Tác phẩm Vào chùa gặp lại viết về nữ thương binh Lương Thị Thân (hạng 2/4) được đưa vào sách Ngữ văn 11.

Ghi nhận 50 năm lao động sáng tạo, Minh Chuyên đã đoạt hơn 60 giải thưởng trong nước, quốc tế. Ngày 24/2/2009, Minh Chuyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tác phẩm của ông được ghi nhận: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Di họa chiến tranh, 1998); giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Những cột mốc người); Cha con người lính đoạt Cúp vàng quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ X tổ chức tại Triều Tiên (2006) và hơn 10 năm sau (2017), tác phẩm Cha con người lính nằm trong cụm tác phẩm Minh Chuyên nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…

Đi tìm các “nguyên mẫu”

Tiếp theo những trang viết đầy cảm hứng về Minh Chuyên là hành trình tác giả cùng người bạn đời Thu Hiền đi tìm các nhân vật là “nguyên mẫu” trong các truyện ký của Minh Chuyên. Mỗi cuộc gặp gỡ là một câu chuyện cảm động và ý nghĩa. Gặp người trong truyện vẽ lên bức tranh tươi mát, đa sắc màu, mô tả cuộc sống của các nguyên mẫu trong bút ký của Minh Chuyên.

Tác giả đã đến thăm gia đình anh Trần Quyết Định – nguyên mẫu trong truyện ký Thủ tục làm người còn sống – viết Gặp người trong truyện; gặp gia đình thương binh Nguyễn Đình Thúc – nguyên mẫu bút ký Người lang thang không cô đơn – viết Hạnh phúc vơi đầy; gặp sư thầy Thích Đàm Thân – nguyên mẫu Vào chùa gặp lại – viết Giao thoa giữa đạo và đời; gặp gia đình anh Nguyễn Văn Thắng có Đứa con màu da thú để viết Gặp lại Đứa con màu da thú…

Phần phụ bản là một số tác phẩm tiêu biểu của Minh Chuyên: Thủ tục làm người còn sống, Người không cô đơn, Vào chùa gặp lại, Linh hồn Việt cộng, Đứa con màu da thú, và Nếu tôi giết Paul Reed giúp tác giả tiếp cận với tác phẩm, minh dẫn thuyết phục cho cuốn sách của mình.

Cuốn sách Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến của GS Nguyễn Công Nghiệp – nhà khoa học chạm ngõ văn chương – thấm thía ý nghĩa “Văn học là nhân học” (Maksim Gorky) trong hành trình “Viết tiếp tuổi hai mươi” để góp phần lan tỏa cái đẹp, tôn vinh con người, trân quý những giá trị nhân văn từ những tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên mang đến.

Exit mobile version